Tiết kiệm điện thành thói quen

Vấn đề hôm nay-Thứ năm, ngày 25/04/2024 07:23 GMT+7

VTV.vn - Để đầu tư xây dựng một nhà máy điện cần nhiều năm và nhiều tiền. Nhưng tiết kiệm điện thì có thể thực hiện được ngay, thường xuyên và tốn ít chi phí.

Nhu cầu điện tăng đột biến

Quý I/2024, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng lên dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy trong 3 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 62,6 tỷ kWh, tăng trên 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, ghi nhận thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,8%, thành phố Hà Nội tăng 10,64%, miền Bắc tăng gần 10%, miền Nam tăng trên 13%, miền Trung tăng >13,1%...

Tiết kiệm điện thành thói quen  - Ảnh 1.

Trong quý I, nhu cầu sử dụng điện quý I trên cả nước tăng trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái

"Nhu cầu sử dụng điện quý I tăng trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng đột biến khi cùng kỳ năm 2022, 2023 mức tăng chỉ khoảng 3-4%). Về mặt vĩ mô đây là tín hiệu tốt cho thấy chúng ta có sự phục hồi về kinh tế nhất là khu vực sản xuất và xuất khẩu. Song ngược lại nó tạo ra thách thức lớn cho ngành điện về cung ứng điện, đặc biệt là trong những tháng mùa khô", ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, để đảm bảo cung ứng điện cho năm nay, ngành điện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như chuẩn bị than, dầu, khí cho các nhà máy nhiệt điện. Tích nước ở mức độ tối đa cho các nhà máy thuỷ điện…

"Việc thi công đường dây 500kW mạch 3 đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao để đẩy nhanh tiến độ đóng điện trước ngày 30/6 tới", ông Vũ nhấn mạnh.

Tắt bớt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ

Bên cạnh các giải pháp về nguồn cung, việc sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả, tiết kiệm cũng là giải pháp trọng tâm. Hiện các nguồn sản xuất điện trong cả nước hiên nay đã được huy động tối đa nhằm bảo đảm không thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng điện tăng cao như vừa qua, nếu không tiết kiệm điện thì sẽ bị thiếu điện.

Để đẩy mạnh triển khai chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đặc biệt tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 20 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Theo đó, nếu tiết kiệm 2% lượng điện năng tiêu thụ theo yêu cầu đặt ra, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện, tương đương chúng ta có thể tiết kiệm được 10.000 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ này, hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt đã được triển khai.

Như tại Công ty MTV Vina Paper (Bắc Ninh), việc chuyển đổi công nghệ, lắp đặt thiết bị biến tần tiết kiệm điện cho dây chuyền sản xuất, chuyển sản xuất từ khung giờ cao điểm hàng ngày, sang khung giờ thấp điểm… giúp cho doanh nghiệp mỗi năm tiết kiệm trên 500 triệu đồng tiền điện.

"Một ngày buổi sáng từ 9h30 - 11h30 và buổi chiều từ 17h - 20h, chúng tôi dừng dây chuyền máy móc, còn lại giờ thấp điểm chúng tôi đã chạy hết công suất. Tính giá điện tiêu hao trên 1 tấn giấy, thì tiền điện năm 2023 so với năm 2022 chúng tôi đã tiết kiệm được 3,1%", anh Nguyễn Thành Khương, Quản lý kỹ thuật, Công ty MTV Vina Paper, Bắc Ninh cho biết.

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, quý 1 năm nay với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thì nhu cầu về điện và phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia tăng trưởng đột biến khoảng 10%. Dự báo quý 2 và mùa nắng nóng năm nay, phụ tải điện tiếp tục tăng cao, ước tăng trên 13%.

Báo cáo cân đối cung cầu điện cho thấy, đến năm 2025 sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới trên 27 tỷ kWh. Nếu đạt mục tiêu mỗi năm cả nước tiết kiệm khoảng 5 tỷ kWh điện, sẽ giúp giảm áp lực của bài toán năng lượng cho phát triển

"Đối với khối cơ quan hành chính sự nghiệp phải đạt mức tiết kiện điện hàng năm tối thiểu 5%. Để đạt được mục tiêu này, cơ quan hành chính sự nghiệp cần phân giao các chỉ tiêu tiết kiệm điện đến các phòng ban. Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, toà nhà có chiếu sáng quảng cáo ngoài trời mục tiêu phải tiết kiệm 30%...", ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết.

Tiết kiệm điện thành thói quen  - Ảnh 2.

Tiết kiệm điện thì có thể thực hiện được ngay, thường xuyên và tốn ít chi phí

Để đầu tư xây dựng một nhà máy điện cần nhiều năm và nhiều tiền. Nhưng tiết kiệm điện thì có thể thực hiện được ngay, thường xuyên và tốn ít chi phí. Hơn nữa tiết kiệm điện cũng là để bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Còn trong giai đoạn này, tiết kiệm điện cũng chính là bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ trường hợp nào; cần chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình. 

Xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả đáp ứng mục tiêu đề ra. Còn với mỗi người dân, gia đình, công sở, chúng ta tập, duy trì thói quen tiết kiệm điện, tắt bớt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước