Tiết kiệm điện: Hành động nhỏ, thay đổi lớn

Tố Uyên-Thứ sáu, ngày 10/05/2024 08:00 GMT+7

VTV.vn - Tiết kiệm điện - Hành động tuy nhỏ nhưng lại mang đến lợi ích lớn - là một giải pháp mang tính dài hạn, cần được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Công tác tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế và đời sống xã hội, nhất là trong các tháng cao điểm mùa khô khi nắng nóng kéo dài. Cả nước chung tay tiết kiệm điện không chỉ làm giảm áp lực cho ngành Điện còn làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất điện, qua đó, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững hơn. Đồng thời ở một khía cạnh khác cũng khiến doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ. Bởi vậy, tiết kiệm điện - Hành động tuy nhỏ nhưng lại mang đến lợi ích lớn - là một giải pháp mang tính dài hạn, cần được thực hiện thường xuyên và liên tục.

Tiết kiệm điện: Vấn đề không của riêng ai, cần thay đổi ý thức, hành động

Theo thống kê mới nhất, một số tỉnh, thành phố điện cấp cho công nghiệp tăng cao như Quảng Ninh (tăng khoảng 44,65%), Tây Ninh (tăng khoảng 27,09%), Bình Định (tăng khoảng 24,28%)... Điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao ở một số địa phương như Khánh Hòa (38,87%), Quảng Nam (33,11%), Đà Nẵng (28,5%), Kiên Giang (23,89%)…

Không khó để hình thành thói quen tốt: Tiết kiệm điện, chỉ cần thay đổi ý thức, thay đổi từ hành động nhỏ sẽ góp sức trong công tác tiết kiệm điện, qua đó chung tay bảo vệ môi trường. Hàng ngày, ngồi chơi cờ, sinh hoạt tập thể, đọc báo, xem truyền hình, ông Hà Quốc Minh cùng một số cán bộ hưu trí trong tổ dân phố 15 phường Mai Dịch (Cầu Giấy – Hà Nội) vẫn được nghe tuyên truyền các khẩu hiệu về việc tiết kiệm điện. Ông Minh cho hay, chúng ta đều biết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả sẽ đóng góp rất lớn trong đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng. Vì vậy, nhiều năm nay, tôi và gia đình luôn thực hiện việc tiết kiệm điện sinh hoạt trong gia đình. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên quan tâm, theo dõi các thông tin liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả để thực hiện theo những chỉ dẫn nhằm góp sức nhỏ bé trong công cuộc bảo vệ môi trường.

Tiết kiệm điện: Hành động nhỏ, thay đổi lớn - Ảnh 2.

Hiện toàn quốc có khoảng 16.850 khách hàng sử dụng điện lớn

Chia sẻ với phóng viên Thời báo VTV, ông Minh nhấn mạnh: Trong sinh hoạt hằng ngày, tôi luôn bảo ban, giáo dục các thành viên trong gia đình phải sử dụng tiết kiệm điện. Tôi cho rằng, việc tiết kiệm điện cần được thực hiện thường xuyên và liên tục và cần lan tỏa đến nhiều người khác tinh thần đó để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống. Mỗi người dân chúng ta phải giáo dục ý thức con cháu từ ở nhà cho đến các không gian công cộng và trong nhà trường về việc sử dụng tiết kiệm năng lượng để hình thành một thói quen cho các thế hệ trẻ.

"Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Công thương vẫn phối hợp tổ chức sự kiện Giờ Trái đất và từ các gia đình cho đến công sở, nhà máy đều thực hiện tắt toàn bộ các thiết bị điện một tiếng đồng hồ. Gia đình tôi cùng các nhà hàng xóm tổ 15 Mai Dịch đều thực hiện nghiêm chỉnh, chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng và với môi trường, tương lai. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau, việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng không chỉ thực hiện trong 60 phút mà còn cần thực hiện trong cả năm, bằng những hành động thiết thực, hiệu quả hơn nữa", ông Minh cho biết thêm.

Đặc thù của Thủ đô Hà Nội với trên 55% phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng cao nhất cả nước. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình có mỗi hành động nhỏ tiết kiệm điện sẽ đem lại hiệu quả rất lớn vào việc đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thủ đô. EVNHANOI đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền như thực hiện phong trào "Hộ gia đình tiết kiệm điện" đã thu hút hàng nghìn hộ gia đình tham gia mỗi năm, giúp lan tỏa thông điệp Tiết kiệm điện một cách hiệu quả.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Chính phủ quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó,  trong những năm qua, nhiều quyết định, chỉ đạo về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được ban hành. Mới đây nhất, ngày 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 38 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trên địa bàn, nhất là áp dụng các giải pháp tối ưu, ứng dụng công nghệ tự động, sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế đèn tiết kiệm điện… trong chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời.

Đáng chú ý, hàng năm, ngành Công thương đều tổ chức sự kiện Giờ Trái đất cùng chuỗi các sự kiện triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên cả nước. Đồng thời, nối tiếp Giờ Trái đất, các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức phát động hội nghị cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, vận động các doanh nghiệp tham gia tiết giảm phụ tải góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh; vận động các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất, cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng tiết kiệm, cải tạo hệ thống điện bảo đảm an toàn và sử dụng một phần năng lượng tái tạo...

"Ngành Điện tích cực tuyên truyền khách hàng nên lựa chọn mua các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng, sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người trong phòng, thay thế đèn Led cho các loại đèn truyền thống khác. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức và thói quen để công tác tiết kiệm điện được thực hiện thường xuyên và liên tục trong tất cả các cơ quan, doanh nghiệp và người dân", ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Thời báo VTV.

Tiết kiệm điện: Hành động nhỏ, thay đổi lớn - Ảnh 4.

Trong sinh hoạt hằng ngày, ông Minh luôn bảo ban, giáo dục các thành viên trong gia đình phải sử dụng tiết kiệm điện

Dư địa tiết kiệm điện trong khối sản xuất công nghiệp rất lớn

Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng trong khối sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn rất lớn. Đây mới thực sự là đối tượng cho lượng điện tiết kiệm cao, góp phần chuyển đổi xanh thông qua sử dụng năng lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết, nước ta có dư địa lớn trong tiết kiệm điện ở nhiều ngành và lĩnh vực. Đơn cử, công nghiệp là lĩnh vực có tỷ lệ sử dụng năng lượng chiếm trên 50% tổng nhu cầu năng lượng, tiềm năng tiết kiệm có thể đạt từ 20 - 35%.

Còn theo thống kê cụ thể của EVN, hiện toàn quốc có khoảng 16.850 khách hàng sử dụng điện lớn (có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên), với tổng mức tiêu thụ điện/năm 111 tỷ kWh, chiếm hơn 85% tổng số điện năng tiêu thụ toàn nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp và chiếm 51% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Đây là nhóm khách hàng phải tiết kiệm điện tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị 20), tương ứng 2,22 tỷ kWh/năm, tương ứng với một nhà máy thủy điện có công suất 550MW.  Xác định được tầm quan trọng của nhóm khách hàng này, EVN đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện như tuyên truyền trực tiếp, tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện; khuyến khích khách hàng tham gia các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện DR, kiểm toán năng lượng; chủ động tổng hợp và thông tin tới khách hàng về mức điện năng tiêu thụ hàng tháng, kèm theo cảnh báo để giúp khách hàng kiểm soát mức sử dụng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết thêm, một trong những giải pháp hiệu quả được đánh giá rất thiết thực trong những tình huống thiếu điện hoặc mất cân bằng cung cầu hệ thống điện quốc gia đó là thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) mà cụ thể là các chương trình điều chỉnh phụ tải điện....

Đáng chú ý, theo ông Hữu,  cần tăng cường tuyên truyền đối với doanh nghiệp sản xuất nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm. Doanh nghiệp nên đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025. Tiếp đó, năm 2023 Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó đưa ra nhiều mục tiêu rất cụ thể như hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trên toàn quốc, thay thế 50% đèn led trong chiếu sáng công cộng, 50% sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các công sở và nhà dân. Các tính toán cho thấy, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện. Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khuyến khích tiết kiệm điện, các quy định, chính sách của ngành Công thương cần rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Thậm chí, chính sách cần thể hiện rõ những lợi ích thiết thực mà đối tượng quan trọng trong công tác tiết kiệm điện là doanh nghiệp sẽ nhận được; cần có các cơ chế chính sách để khuyến khích tài chính, hỗ trợ giá, vay vốn với lãi xuất ưu đãi, giảm thuế...cho mọi thành phần kinh tế tham gia. Ngược lại cũng có các quy định về xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp không thực hành tốt trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Hơn nữa, nhiều chuyên gia đánh giá, việc ngành Điện phải chủ động trao đổi, đàm phán với doanh nghiệp để thực hiện điều chỉnh phụ tải như thời gian qua chưa phải là cách làm hưu hiệu và bền vững. Mặt khác, nhà quản lý và cung ứng điện cần tăng cường hơn nữa các giải pháp, pháp lý, cơ chế khuyến khích điều chỉnh hành vi của phụ tải điện như cắt bớt thiết bị không cần thiết, điều chỉnh khung thời gian sử dụng điện…Ngoài ra, cần phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế; lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia; không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam.../.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước