Siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 09/05/2024 21:57 GMT+7

VTV.vn - Năm 2023, ngành thuế đã quản lý doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng và đã thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022.

Người bán hàng online không thể giấu danh tính và phải công khai doanh thu, kê khai và nộp thuế. Sẽ có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn, trong đó có kết nối, chia sẻ dữ liệu của nhiều cơ quan quản lý để không "bỏ lọt" các khoản thuế phải thu đối với thương mại điện tử. Đó cũng là những mục tiêu được đặt ra trong Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Tại Hà Nội, cán bộ thuế làm việc với từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử để đôn đốc, hướng dẫn việc đăng ký, kê khai và nộp thuế. Cục thuế Hà Nội đã lựa chọn quận Hoàn Kiếm làm địa bàn thí điểm trong quản lý thuế thương mại điện tử với sự tham gia của cả hệ thống chính trị của quận.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Chủ tịch UBND các phường cùng với Phòng kinh tế, Tài chính kế hoạch, Quản lý thị trường cùng công an quận tiến hành theo dõi rà soát cũng như thực hiện công tác quản lý tại địa phương".

"Thời gian gần đây việc quản lý khá chặt chẽ. Các hội nhóm kinh doanh cũng truyền tai nhau phải chấp hành nghiêm chỉnh", chị Trần Thị Hoa - Chủ hộ kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.

Đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử - Ảnh 1.

Phối hợp liên Bộ để quản lý chống thất thu thuế kinh doanh qua sàn thương mại điện tử

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: "Mời các cá nhân, các tổ chức lên làm việc. Sau khi xác định, phối hợp với các cơ quan thì chính các cá nhân này đã thừa nhận doanh thu cũng như thu nhập, thậm trí có nhiều trường hợp còn kê khai bổ xung ngoài các dữ liệu mà cơ quan thuế đang quản lý"

Năm 2023, ngành thuế đã quản lý doanh thu thương mại điện tử lên đến 3,5 triệu tỷ đồng và đã thu về 97.000 tỷ đồng cho ngân sách, tăng 16% so với năm 2022. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của việc thực hiện xác thực và quản lý thông qua mã định danh cá nhân, nằm trong Đề án 06 và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về chia sẻ, kết nối dữ liệu với nhau để quản lý chặt chẽ hơn đối với thương mại điện tử.

Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: "Có sự hỗ trợ rất lớn của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cùng với cơ quan thuế chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để tập hợp cơ sở dữ liệu lại, sơ đồ hóa công tác quản lý. Yêu cầu các Cục Thuế tuyên truyền hỗ trợ cá nhân kinh doanh kê khai, trong trường hợp trây ỳ sẽ phối hơp để xử lý vi phạm".

Những tháng đầu năm nay, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Riêng 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng tới gần 79% trong quý I. Ngành Thuế xác định, để thương mại điện tử hoạt động lành mạnh, minh bạch và chống thất thu thuế rất cần sự liên thông chia sẻ dữ liệu nhiều hơn nữa giữa các bộ ngành. Đồng thời phải xây dựng được một mô hình quản lý chung cho toàn quốc với sự tham gia tích cực của chính quyền các tỉnh và các ban ngành có liên quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước